Tồn dư hóa chất, kháng sinh trong nuôi tôm nước lợ cần quản lý chặt chẽ. Ảnh: Công ty Tin Cậy.
Để việc xuất khẩu tôm thuận lợi, đòi hỏi việc quản lý chất lượng tồn dư hóa chất, kháng sinh trong nuôi tôm nước lợ là vấn đề rất quan trọng. Do đó, tại Hội nghị trực tuyến cùng các tỉnh ven biển trong tháng 7 vừa qua, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Lê Bá Anh đã đưa ra một số giải pháp cho địa phương trong công tác quản lý và các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất chế biến tôm xuất khẩu.
Đối với các địa phương, trong công tác quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, thực hiện hiệu quả kế hoạch đã được phê duyệt của Chương trình giám sát dư lượng các chất độc hại trong thủy sản nuôi (bao gồm tôm nuôi) theo địa bàn quản lý để kịp thời phát hiện cảnh báo và truy xuất, xử lý tận gốc đối với cơ sở nuôi, sản xuất, kinh doanh vi phạm các quy chế về tồn dư hóa chất, kháng sinh; chủ động, tích cực kiểm tra, kiểm soát tạp chất trong tôm theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Công văn số 3556/VPCP-NN, ngày 2-5-2019; của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 4119/BNN-QLCL, ngày 13-6-2019 về việc tiếp tục triển khai kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất và quy định của Thông tư số 07/2018/TT-BNNPTNT, ngày 10-7-2018.
Đồng chí Lê Bá Anh cũng đề nghị cần phải thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất các giải pháp, kịp thời thông tin tuyên truyền để người dân biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp. Đồng thời cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng có liên quan về các quy định của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, chế biến để tạo ra sản phẩm tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, đối với doanh nghiệp, đồng chí Lê Bá Anh nêu các giải pháp trong chuỗi sản xuất, chế biến tôm xuất khẩu, đó là: thúc đẩy phát triển vùng nuôi, tăng sản lượng giúp giảm giá thành tôm nguyên liệu. Tăng cường đầu tư công nghệ chế biến, gia tăng giá trị, đáp ứng nhu cầu của các nước nhập khẩu; phát triển nuôi tôm hữu cơ, tôm sinh thái nhằm tăng giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường bền vững; chủ động nghiên cứu, nắm bắt rõ các thủ tục, cập nhật quy định của các thị trường để giảm thiểu rủi ro trong quá trình xuất khẩu. Thực hiện tốt hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm theo HACCP, hệ thống truy xuất nguồn gốc; quy định IUU và khai báo xuất xứ tôm xuất khẩu vào Mỹ theo DS2031.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã cho biết: “Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, diện tích nuôi tôm theo kế hoạch hàng năm hơn 51.000ha. Với diện tích lớn nêu trên thì sản lượng tôm nuôi khá lớn. Cùng với đó, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm trên địa bàn tỉnh với hàng chục nhà máy, việc chế biến tôm của các công ty, doanh nghiệp tại tỉnh chủ yếu phục vụ thị trường xuất khẩu… Vì vậy, với các giải pháp mà Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Lê Bá Anh gợi ý sẽ góp phần cho địa phương nuôi tôm và doanh nghiệp tiếp tục quan tâm hơn nữa trong việc thực hiện các giải pháp kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất”.